Văn Miếu Sơn Tây - Nơi chuyển tải tinh thần hiếu học xưa của người dân xứ Đoài

 Văn miếu là một trong những loại hình di tích lịch sử văn hóa, nơi tôn thờ các nhà khoa bảng hiển danh và những bậc tiên hiền về nho học. Văn miếu Sơn Tây cũng chính là một địa điểm như thế. Trước đó, Văn Miếu Sơn Tây đã từng được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại làng Cam Thịnh, đến đời vua Thiệu Trị 1847 thì lại được dời về xây tại làng Mông Phụ (Cam Giá Thịnh). Đời vua Thành Thái năm thứ 3 thì được xây lại lần thứ ba tại đất Văn Miếu ngày nay. Công trình được khánh thành vào năm 1892.

Văn Miếu Sơn Tây được triều đình cho xây dựng để tôn thờ Đức thánh Khổng Tử, tứ phối (bốn học trò xuất sắc của Đức Thánh là: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và 72 vị hiền triết, cùng các danh nhân khoa bảng thuộc khu vực xứ Đoài đã đỗ đạt các danh hiệu qua các thời kỳ của chế độ phong kiến. Theo một số tài liệu ghi lại thì có khoảng 288 vị Tiến sĩ được khắc trên bia đã lưu tại Văn Miếu Sơn Tây. Đây cũng là nơi ghi dấu những buổi đàm văn, đàm đạo Khổng, nơi chuyển tải tinh thần hiếu học xưa của người dân xứ Đoài.


Theo một số tài liệu để lại, đây là công trình tiêu biểu về văn hóa, tâm linh, có quy mô bề thế và mang tầm quan trọng giống như Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Mao Điền (Hải Dương), Bắc Ninh và một số nơi khác. Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng trên một khu đất rộng, hình chữ nhật, xung quanh có tường xây bằng gạch đá ong bao quanh, nhìn về hướng Nam nơi có dòng Tích giang thơ mộng chảy qua. Toàn bộ di tích được dàn trải trên một trục thần đạo với nhiều hạng mục bề thế uy nghiêm chạy dọc theo hướng bắc- nam. Các công trình được xây dựng bằng chất liệu gạch đá ong, một chất liệu truyền thống của xứ Đoài nên mang một vẻ đẹp riêng hiếm có. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954, di tích Văn Miếu chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và xã hội nên các hạng mục công trình đã bị xuống cấp, biến dạng.

Căn cứ vào các tài liệu gốc còn lại về Văn Miếu Sơn Tây cũng như tham khảo các di tích Văn Miếu ở các địa phương khác. Năm 2008, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành của thị xã phối hợp với các cấp, ngành liên quan thiết kế, lập dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Sơn Tây. Đến nay, một số hạng mục chính của Văn Miếu Sơn Tây đã được phục dựng trên khu đất cũ của di tích, với tổng diện tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục đường quốc lộ 32. Bao gồm các hạng mục chính trải dài theo trục thần đạo là trục bắc - nam, hướng vào chính là ở hướng Nam như: Văn Miếu Môn, Lầu Chuông, Lầu Khánh, Tả Vu, Hữu Vu, Thượng điện, Đại Bái đường, Đền Khải thánh, sân lễ hội, phía trước là hồ sen, xung quanh là vườn cây xanh.

Vào đầu năm 2018, UBND thị xã Sơn Tây đã bàn giao di tích lịch sử Văn Miếu, xã Đường Lâm cho Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm trực tiếp quản lý. Di tích Văn Miếu sẽ tạo ra một điểm tham quan, nghiên cứu, góp phần khẳng định, chứng minh một địa chỉ tiêu biểu của kho bảo tàng văn hóa xứ Đoài, giáo dục, tôn vinh truyền thống hiếu học cho các thế hệ. Hiện tại ở đình Mông Phụ (xã Đường Lâm), dân làng vẫn còn gìn giữ được hai chiếc khánh (một chiếc bằng đồng, một chiếc bằng đá) để ở nhà tả - hữu mạc và 9 tấm bia đá là hiện vật được thu thập từ Văn Miếu Sơn Tây. Vào năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Văn Miếu Sơn Tây được khởi dựng cách đây gần 200 năm, đây thực sự là địa điểm có ý nghĩa lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thị xã Sơn Tây. Ngoài chức năng thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng và công lao của họ đã làm rạng danh quốc gia văn hiến, là biểu tượng của sự khuyến học, nơi để con dân Việt Nam soi vào để rèn luyện đức, tài, xây dựng một quốc gia văn minh, giàu đẹp.Văn Miếu Sơn Tây đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống lịch sử văn hóa ở vùng Xứ Đoài nói riêng và vùng châu thổ sông Hồng nói chung. Tuy nhiên, để di tích xứng tầm với giá trị thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Văn Miếu Sơn Tây luôn được chính quyền và nhân dân Sơn Tây quan tâm, chú trọng.

Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây

 

0 Comments

Đăng nhận xét